Header Ads


 

YÊN MỸ THÂN THƯƠNG


http://timvenguoncoi.blogspot.com       Cứ mỗi dịp xuân về, tết đến lòng người rộn ràng, nao nức mong mỏi trở về quê hương. Tôi lại có dịp tìm lại nguồn cội của mình “nơi chôn rau cắt rốn”nơi đấng sinh thành sinh ra tôi. Hòa chung với dòng người nô nức đón năm mới, tôi trở về quê hương lòng đầy ắp những kỉ niệm. Những kỉ niệm ngày nào chợt đến trong tâm trí tôi không lúc nào vơi, kỉ niệm ngày xưa quê hương cho tôi thật đẹp biết bao. Tôi luôn nhớ những ngày mò cua, bắt ốc ở đồng nội cùng với những người con quê hương khác; tôi nhớ những ngày cùng mẹ đi cấy, đi làm cỏ lúa ; tôi nhớ những ngày tôi dắt trâu ăn cỏ vào những ngày hè oi ả ; và có cả những ngày dạo chơi, lang thang trên những thảm cỏ xanh mát với những ruộng lúa bạt ngàn xanh ngắt. “Quê hương ai mà không nhớ sẽ không lớn nổi thành người, quê hương là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày, quê hương là đêm trăng tỏ,hoa cau rụng trắng ngoài thềm”.  Đó là những câu hát do ca sĩ Trọng Tấn cất vang ngày nào tôi được nghe, làm sao tôi có thể quên được điều khắc cốt ghi tâm “uống nước nhớ nguồn”. Cũng như mọi người, ai ai cũng có ít nhất một quê hương. Trong mắt tôi, trong tâm khảm tôi quê hương tôi đẹp biết bao. Dù đi đâu tôi luôn nhớ về quê hương, nhớ về những kỉ niệm, nhớ về gia đình. Quê hương tôi mang một cái tên rất đẹp, hai chữ Yên Mỹ thân thương ấy.
       Hai chữ Yên Mỹ thật đẹp biết bao: Yên tức là bình yên, an bình, yên ổn, nó cũng có nghĩa là trầm lắng, hòa hợp và thanh cao được thể hiện nơi con người hiền lành, chất phát cũng như cảnh vật ở đây. Mỹ tức là đẹp, cao quý nó toát lên một khung cảnh trữ tình thơ mộng, ảo huyền và bí ẩn của con người và thiên nhiên chốn đồng quê. Hai chữ Yên Mỹ song hành nói lên vẻ đẹp tâm hồn và ngoại cảnh. Qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi làng này vẫn giữ được vẻ đẹp riêng. Yên Mỹ quả đúng là tên đẹp, nó không chỉ hợp phong thủy mà nó xứng đáng đi đôi với con người và thiên nhiên nơi này. Cái tên ấy, đối với những người con quê hương trong mắt, trong tâm khảm của họ thì như “danh lam thắng cảnh”. Ai đó, khi nào có dịp mời về Yên Mỹ quê tôi để du ngoạn trên những con đường làng trải thảm xanh, trên những cánh đồng bát ngát hương thơm dịu ngọt của hương lúa và cánh hoa đồng nội, trên những con đường, lối nhỏ vào từng người dân đây đó với hàng rào râm bụt đỏ rực.

“Ai về Yên Mỹ mà xem
non xanh núi biếc như tranh họa đồ
Yên bình kết hợp mỹ miều
Ai về Yên Mỹ thân thương
Cho tôi gửi gió gửi hương quê mình”.

         Yên Mỹ tọa lạc ở vùng đất đầu của xã Thanh Lộc-Can Lộc- Hà Tĩnh;  một vùng đất cằn, đá sỏi.(lắm khoai nhiều sắn) ; Từ quốc lộ 1A theo đường Vượng Lộc đi lên Thanh Lộc nhìn về hướng tây. Ai cũng sẽ không khỏi bất ngờ, với một làng quê bình dị hiện ra, giữa hai dãy núi đồi, với nhũng ngôi nhà mái ngói đỏ chói hòa lẫn với ánh ban mai còn đọng lại chút sương mờ. Yên Mỹ lúc ẩn, lúc hiện trong mơ hồ huyền ảo. Giữa hai dãy đồi xuất hiện một ngôi thánh đường cổ kính, linh thiêng. Rải rác có vài tòa nhà cao ốc, hai tầng, ba tầng….đây đó. Nơi đây cũng là điểm giao thoa của tuyến đường liên xã, liên huyện, là mạch nối giao thông quan trọng. Cộng đồng dân cư phân bố dọc theo hai tuyến đường liên xóm và liên xã. Hai dãy nhìn thẳng ra cánh đồng xa tắp có hướng Đông, một số hướng Đông Bắc, một số Đông Nam. Quả là những hướng nhìn hợp với cau đối sau:

“Cửa hướng mặt trời  xuân đến trước
Con cháu thảo hiền vạn kiếp vinh.”

           Yên Mỹ quê tôi bây giờ đã khác nhiều, nhiều con đường được mở rộng, nhiều cơ sở hạ tầng được xây cất trang hoàng, đẹp đẽ. Đời sống đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ; các lĩnh vực văn hóa, tôn giáo, giáo dục được cải thiện và phát triển. Ngôi thánh đường cũng được trau chuốt với khung cảnh mới, nội thất mới. Khuôn viên nhà thờ được bảo vệ luôn xanh, sạch, đẹp và đặc biệt là đã mở rộng thêm rất nhiều nhằm tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân. Cuộc sống con người ở đây bây giờ cũng đổi thay từng ngày để phù hợp với thời đại hội nhập, giao lưu, trao đổi thông tin, văn hóa và dân trí ngày càng đi lên. Từ đó mở ra mở ra nhiều tài năng, nhiều con người kiệt xuất cho xã hội và đặc biệt là công cuộc gieo mầm ơn gọi tận hiến. Cũng đã có nhiều con em,người con của giáo họ đã lên đường theo tiếng gọi con tim đi tìm và phát huy cái đẹp của một làng quê, tìm lý tưởng cho một cuộc sống tố đẹp và hạnh phúc hơn. Hơn thế nữa, họ bước theo Chúa trên con đường thánh hiến, phục vụ cho Thiên Chúa. Tôi nghĩ, tương lai tốt đẹp đang đón chào một Yên Mỹ với một khung cảnh mới, kế đó sẽ có nhiều người bước theo con đường đó. Dấu hiệu đó cho thấy sự phát triển của Giáo Họ, phải chăng là sự triển tâm linh( đó cũng là tầm hồn của Yên Mỹ). Thêm vào đó, Giáo Họ vinh dự được bề trên thượng cấp Dòng MTG Chân Thành cho mấy chị về giúp đỡ và lập một cộng đoàn mới ở đây. Thật là vui sướng và đáng tự hào biết bao. Các hội đoàn cũng được thành lập và từ đó phát triển. Nhiều hội đoàn được thành lập: Hội Phan Sinh tại thế, Hội gia đình Thánh Tâm đã dần đi vào quĩ đạo. Còn rất nhiều những thay đổi khác nữa ,….nhưng sự đổi thay có chọn lọc, tạo nên một bản sắc riêng của văn hóa và con người Yên Mỹ. Con người hiền lành, dễ mến, thân thương với văn hóa hòa quyện cùng với tôn giáo mang đậm chất Ki tô giáo.
        Quê hương tôi thật đẹp và đáng tự hào biết bao, nó cũng mang dáng dấp của vẻ đẹp thời hiện đại lẫn cổ xưa. Thiết nghĩ cả tôi và những người con quê hương phải luôn nhớ về quê hương Yên Mỹ dấu yêu này. Không dừng lại ở đó, là người con của quê hương mọi người phải làm gì đó góp phần tạo nên một vùng đất trù phú và văn minh. Văn minh nhưng phải đi liền với thực hành đức tin Ki tô giáo theo lời kêu mời của Đức giáo hoàng Benedict XVI, một con đường theo Chúa, truyền rao tin mừng của Chúa cho mọi người trong thời đại hôm nay. Thời đại của các trào lưu xấu, xa rời Tin Mừng. Đó là thách đố lớn cho mỗi chúng ta. Phát triển nhưng không để quên mất nhiệm vụ cao cả và đáng được ưu tiên trên hết bởi nó là cùng đích của mọi sự. Cảm ơn đã cho tôi được sinh ra trên mãnh đất này. Tôi luôn nhớ về quê hương và mãi mãi như thế…

Hư Vô

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của Maliketh. Được tạo bởi Blogger.