Header Ads


 

Chuyện tình Titanic liệu có còn tồn tại?


        Một cô tình nguyện viên với hơn 10 năm dấn thân phục vụ bệnh nhân phong lại phản đối quyết liệt cuộc hôn nhân giữa cháu mình và con của người cùi, dẫu đôi trẻ hoàn toàn khoẻ mạnh đến với nhau bằng một tình yêu tự do nhưng một bức tường vô hình nào đó vẫn làm cho người cô không thể chấp nhận cuộc tình này…

         Cô em gái gác lại tất cả công việc và gia đình riêng ở Sài Gòn, tức tốc trở về quê để ngăn cản đám cưới của anh trai với cô Ôsin đã giúp việc cho gia đình hơn 5 năm, dẫu là cả hai đều là trai chưa vợ, gái chưa chồng nhưng cô không thể chấp nhận việc một người Ôsin làm chị dâu của mình…

        Có lẽ nhiều người đã vô cùng xúc động và ngưỡng mộ trước những chuyện tình vượt trên những chênh lệch quá lớn về ngoại hình, truyền thống, gia sản và đặc biệt là địa vị xã hội: đó là mối tình cổ tích giữa hoàng tử đẹp trai và cô lọ lem khốn khổ, là tình yêu định mệnh giữa nàng Rose quý phái và chàng họa sĩ Jack mạt hạn, là cuộc hôn nhân giữa hoàng tử William danh giá và cô thường dân Kate… Tất cả những câu chuyện tình đó luôn là chủ đề hấp dẫn và lôi cuốn mọi người cả trong điện ảnh lẫn giữa đời thường. Tuy nhiên nếu đặt bản thân là cha mẹ hay chị em của những nhân vật nổi tiếng trên đây thì không biết mỗi người sẽ phản ứng ra sao? Những trường hợp này chẳng phải viễn vông vì nó đã, đang và sẽ xuất hiện trong đời sống thường ngày của con người như hai hoàn cảnh ở đầu bài viết. Nghĩ cũng lạ, tại sao người ta có thể dễ đồng cảm và thán phục trước những cuộc tình sóng gió của người khác nhưng lại rất khó thể chấp nhận điều đó trong chính gia đình mình? Tại sao người ta có thể hy sinh rất cao thượng để nâng đỡ những con người bé mọn nhưng lại có vẻ rất “khó tính” khi để họ đi sâu vào cuộc đời của mình? Chính những băn khoăn đó làm người viết tự hỏi: làm sao tôi biết rằng tôi đang xem tha nhân đúng như một con người?

         Truyền thống Đông Phương đặc biệt là Trung Quốc có thể tóm gọn cách thức hành xử với tha nhân qua 4 chữ: nhân, lễ, nghĩa, trí.[1] Nhân là biết trắc ẩn với hoàn cảnh của người khác; Nghĩa là hành động theo đạo lý, theo tiếng nói của lương tâm; Lễ là cung cách khiêm nhu, biết kính trọng người khác; và Trí là biết phân biệt việc phải trái để hành động. Thế nên khi một người sống được bốn chữ đó với tha nhân thì cũng có nghĩa là họ đã xem tha nhân đúng với phẩm giá một con người.


           Còn về phương tây, có lẽ phẩm giá của tha nhân được xác định rõ nhất qua ‘khuôn mặt’[2] của họ. Hình ảnh ‘khuôn mặt’ đó được triết gia Levinas dùng để diễn tả mối tương quan sâu sắc giữa chủ thể và tha nhân. Mối tương quan đó đã hiện hữu sẵn trong tôi và mời gọi tôi mang lấy trách nhiệm với cuộc đời của người khác. Đó không chỉ là “thấy việc bất bình ra tay nghĩa hiệp” nhưng còn là sự liên đới trách nhiệm với những rủi ro, khổ ải và cả lỗi lầm của tha nhân. Vì vậy, đối xử với tha nhân như một con người là phải vượt lên những dáng vẻ bên ngoài của họ, để nhìn thấy phẩm giá của mỗi khuôn mặt và trách nhiệm phải có nơi tôi, và để khuôn mặt ấy trở thành một phần cuộc sống của tôi.[3]


           Quả thật, khuôn mặt đó không hệ tại ở hình dạng thể lý bên ngoài nhưng chất chứa những phẩm giá cao quý của con người được ẩn tàn bên trong. Điều đó giải thích tại sao khuôn mặt dị dạng của chàng gù Quasimodo trên giàn nhục hình lại có sức lay động tấm lòng trắc ẩn của nàng Esméralda xinh đẹp. Chính hành động đầy tình thương và dũng cảm của nàng (đem nước cho Quasimodo uống khi đám đông đang xỉ vả chàng) đã giúp một con người bị xem là quái thú, bị đẩy ra bên lề xã hội, lần đầu tiên trong đời nhận ra mình là một con người.[4]


          Kinh nghiệm của Quasimodo cũng là kinh nghiệm của những bệnh nhân Siđa mà tôi được gặp ở mái ấm Mai Hòa. Họ là những người ở ngưỡng cửa của cái chết, bị gia đình bạn bè và cả xã hội xa lánh. Thế nhưng trong hoàn cảnh bi đát của cuộc đời như vậy, họ lại nhận ra mình thật sự là một con người, bởi lẽ là con người họ mới được trân trọng được yêu thương và chăm sóc từ những bàn tay của các nữ tu nơi đây.


         Từ những điều trên đây cho thấy, tha nhân được xem là một con người chỉ khi họ được trân trọng, yêu thương và nâng đỡ, đặc biệt là khi tất cả mọi người đã bỏ rơi họ. Tuy vậy, tại sao tôi không thể chấp nhận con của người bệnh phong, hay cô Ôsin trở thành một thành viên trong gia đình tôi? Tại sao Exméralda sau hành động đầy tình người và sau khi được Quasimodo cứu vẫn xem chàng như một quái vật chứ chẳng phải là một người bạn?


         Dường như khi bắt gặp những mảnh đời éo le, những phận người bất hạnh, người ta dễ chạnh lòng, dễ giang tay nâng đỡ và dễ cảm thấy có trách nhiệm với họ. Điều đó nhiều lúc như một khuynh hướng tự nhiên của con người, “kiến nghĩa bất vi vô dũng giã” hay bình dân hơn là động lòng trắc ẩn. Hoặc khi những nhu cầu cơ bản đã phần nào đầy đủ, người ta dễ có khuynh hướng mở ra với những việc xã hội và những người bất hạnh. Đó cũng là lý do khi kinh tế tăng trưởng lại có nhiều người hơn đóng góp cho các tổ chức xã hội, các nhà tình thương và các cơ sở tôn giáo. Có lẽ khi giúp đỡ như vậy họ cũng được lấp đầy những một lỗ trống hay những nhu cầu nào đó trong tâm hồn, và như thế người ta cảm thấy được bình an trong tâm hồn, được an ủi trong cuộc sống.


         Bên cạnh đó vẫn có một khuynh hướng tiêu cực cho những dấn thân này đó là sự tự mãn. Khi đứng ở vai trò người cho, người ban phát cho kẻ khác, tôi dễ cảm thấy bản thân mình cao quý hơn, giá trị hơn những người đang được tôi nâng đỡ. Và điều gì sẽ xảy ra nếu bất chợt những ‘khuôn mặt’ này không còn ở bên ngoài nhưng đi sâu hơn vào cuộc đời tôi, không còn là mối tương quan ‘người ban phát – kẻ đón nhận’ nữa nhưng là ăn cùng mâm, ngồi cùng chiếu, họ sẽ là anh chị là con cháu và sẽ cùng tôi chung sống dưới một mái nhà? Hơn thế, cái cảm giác trắc ẩn và thương hại trong tôi cũng phải được thay đổi bằng thái độ yêu mến kính trọng. Điều này quả là một thách thức một hố sâu không nhỏ cho những người đang tự cho mình ở ‘kèo trên’.


          Nhưng nếu nói như vậy thì hóa ra sẽ thiếu công bằng với những ‘mạnh thường quân’ này hay sao? Bởi lẽ họ cũng là con người, họ có tự do để hy sinh thời gian tiền bạc để giúp đỡ giữa người nghèo khó, họ cũng có quyền để mưu cầu hạnh phúc cho những người thân của họ qua việc hôn nhân trọng đại. Và khi nói đến hôn sự thì quan niệm “môn đăng hộ đối” vẫn là một tiêu chuẩn quan trọng cho dù bên tây hay bên ta, có được bàn luận công khai hay vẫn còn giữ kín. Tiêu chuẩn này nhằm tránh những khác biệt quá lớn có thể xảy trong đời sống vợ chồng, và có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc lâu bền của cả hai. Tuy nhiên, dẫu biết rằng tiêu chuẩn này có ý hướng tích cực nhưng làm sao để xác định thế nào là “môn đăng hộ đối” và ai sẽ là người cầm cân nảy mực?


          Cứ cho rằng không ai có thể đánh giá trọn vẹn một con người nhưng người từng trãi cũng có thể “ướm ni mua đồ” theo một chuẩn mực tương đối nào đó. Tuy vậy, dù là tương đối nhưng chuẩn mực nào cũng sẽ dễ đóng khung tha nhân vào một định kiến nào đó đã có sẵn, và định kiến thì hoàn toàn có thể thiên lệch: “Từ Nagiarét thì có gì hay”[5] hoặc “sao mày nhiễm Siđa, gái hay chích” hoặc “linh mục là người của Chúa nên linh mục không thể sai được”. Vậy làm sao biết rằng tôi đang đối xử với tha nhân đúng như với một con người?


           Thiết nghĩ có nhiều câu trả lời nhưng với người viết, điều quan trọng không dừng lại ở việc chấp nhận hay từ chối với những cuộc hôn nhân kể trên, nhưng mấu chốt là việc nhận ra phẩm giá cao quý nơi mỗi con người. Phẩm giá đó chính là khả năng “ý thức về sự ý thức” của mình.[6] Đó cũng là điều làm cho con người trổi vượt hơn những loài động vật khác. Khả năng này này được thể hiện qua việc con người có thể tự họa chính mình và cuộc đời lao động của mình, tiếp đến là có thể diễn tả những chuyển biến tư tưởng đang xảy ra trong tâm trí qua cách dùng ngôi thứ nhất “Tôi”. Điều này giúp đặt con người trên một tiến trình biến chuyển liên tục của dòng đời để hướng đến những điều tích cực hơn chứ không chỉ nằm hoài trong vũng lầy của quá khứ. Nói một cách khác, con người có khả năng biết mình và thay đổi chính mình. Đơn cử đó là hình ảnh của một Matthew thu thuế, ông bị đóng khung là kẻ tội lỗi và bị kết án bởi biết bao ngón tay thành kiến, nhưng sau khi hoán cải ông lại trở nên người giúp nâng đỡ biết bao người tội lỗi và đưa họ về với ơn cứu độ; đó là hình ảnh Mađalêna bị xã hội vùi dập và kết án như một kẻ trắc nết lăng loàn nhưng sau này lại trở nên ‘ngôn sứ’ đầu tiên loan truyền thông điệp Phục sinh của Đức Giêsu; và đó còn là một Eugène François Vidocq, từ một tên tội phạm nhiều lần ra tù vào khám nhưng cuối đời lại được nhắc đến như một siêu thám tử của Pháp, cha đẻ của ngành tội phạm học hiện đại và là nguồn gợi hứng cho các tác gia vĩ đại như Victo Hugo hay Honoré de Balzac.[7]Tất cả những điều đó chỉ để nói lên rằng, con người có thể thay đổi và làm nên những điều kỳ diệu khi được yêu thương, nâng đỡ, tin tưởng và quan trọng nhất là được đối xử đúng như phẩm giá của một con người.


           Tóm lại, những câu chuyện tình Titanic hay những cuộc biến đổi kỳ diệu của con người vẫn sẽ còn tồn trong thế giới ngày nay nếu chúng ta biết đối xử với tha nhân đúng như với một con người. Trong đó, tha nhân được xem là một con người không chỉ bởi họ là “một con vật có lý trí” hoặc “một sự kết hợp giữa xác và hồn” nhưng quan trọng hơn, họ là những hữu thể có khả năng ý thức về sự ý thức của chính mình.


Paul Phạm Khánh Linh, S.J.

Học Viên Triết I
Học Viện Thánh Giuse, Dòng Tên

...............................................................

[1] X. Mạnh Tử, Tứ Thư- Mạnh Tử – quyển Thượng, Đoàn Trung Còn dịch, Nxb Thuận Hoá Huế, 1996, 6A6.


[2] Chritchley, Simon & Bernasconi, Robert, The Cambridge Companion to Levinas, New York, cambridge University Press, 2004, 64.


[3] X. LEVINAS, EMMANUAL, Totality and Infinity, translated by Alphonso Lingis,Pittsburgh, 1969, 66-219.


[4] Victo Hugo, Notre-Dame de Paris, 1831.


[5] Tin Mừng Ga 1,45.


[6] Awareness of Awareness hoặc Embodied Conciousness (Cognition): tư tưởng này được bắt nguồn từ Kant và nền triết học lục địa của thế kỷ 20.


[7] Eugène François Vidocq,http://en.wikipedia.org/wiki/Eug%C3%A8ne_Fran%C3%A7ois_Vidocq(truy cập ngày 24/08/14).

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của Maliketh. Được tạo bởi Blogger.