Triết lý con người trong ca từ nhạc Trịnh
Những ca từ trữ tình và sâu lắng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường khiến người nghe không khỏi trăn trở về phận người. Cố nhạc sĩ đã đi qua hành trình cuộc đời nhưng ông vẫn còn sống trong trái tim rất nhiều người. Điều gì đã khiến cho dòng nhạc của ông có sức cuốn hút lòng người đến vậy. Đối với tôi, một trong những nhân tố quan trọng hệ tại ở ca từ sâu sắc đậm tính triết lý nhân sinh được gạn lọc rất công phu. Triết lý con người trong ca từ nhạc Trịnh là một hành trình khởi đi từ hư vô nhưng rất ý nghĩa của ‘hạt bụi’.
Con người trong ca từ dòng nhạc Trịnh khởi đi từ một ‘hạt bụi’ hư vô nhưng không tầm thường. ‘Hạt bụi’ ấy không im lặng nhưng biết trăn trở về cuộc đời, về phận người, để chợt nhận ra: tôi là ai, tôi đến từ đâu và tôi sẽ về đâu. Trong cuộc đời, có lẽ ít nhiều mỗi người có những dịp dừng lại để trầm ngâm về phận người. Khởi đi từ đây, con người nhận ra mình cũng thật giới hạn: tôi chỉ là một ‘hạt bụi’ từ hư vô, là ‘không có gì’. Thế nhưng, con người phải thốt lên vui sướng khi nhận ra rằng, từ hư vô, tôi đã ‘được tác tạo’, được ‘hóa kiếp’ thành con người với sức sống mãnh liệt:“Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy” (Cát bụi). Từ hư vô, tôi được sinh ra trong dòng thời gian của vũ trụ này, tôi quả thật là “cát bụi tuyệt vời” (Cát bụi). Ngay khi chợt nhận ra được nguồn gốc và sự hiện diện của mình, con người không khỏi băn khoăn khi suy nghĩ về hành trình của mình: Tôi sẽ đi về đâu?Tôi thật hạnh phúc khi được sinh ra trong cuộc đời này nhưng tôi cũng bị giới hạn trong thời gian và giới hạn của kiếp người sinh-lão-bệnh-tử: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi” (Cát bụi). Khi đứng trước ngưỡng của của sự chết, có lẽ nhiều người trong chúng ta cảm thấy sợ hãi. Cố nhạc sĩ cũng đã có lần chia sẻ cảm nhận của mình về sự chết: “Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời, dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy” (Bên đời hiu quạnh). Phải chăng cuộc sống chỉ vậy thôi, tôi được sinh ra để rồi tan biến vĩnh viễn trong hư vô? Hành trình con người được khởi đi từ sự ‘kỳ diệu’ có lẽ nào kết thúc một cách ‘vô duyên’ với cái chết? Vậy đâu là ý nghĩa của đời sống này? Đối với các triết gia hiện sinh[1], nếu đời sống con người là để sống tự do, đích thực, trách nhiệm và cá vị, thì giá trị sống hệ tại ở ‘điều mà tôi sống và chết cho’ là gì. Dĩ nhiên, giá trị ấy phải gắn liền với ‘sự thật’ vì sự gian dối chẳng có giá trị nào. Nếu vậy, tôi đang sống và chết cho điều gì?
Hành trình của ‘hạt bụi’ không chỉ để ‘rong chơi’ kiếp này rồi ‘ra đi’ mãi mãi, nhưng là một hành trình có ý nghĩa. Có thể nói, hành trình con người là hành trình trở về với những gì ‘mình là’. Đối với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hành trình của con người là hành trình trở về với ‘trẻ thơ’ – hay trở về với tánh thiện của mình.[2] Sở dĩ tôi phải ‘trở về’ vì trên hành trình có lúc tôi đã ‘lầm lạc’: “nhưng hôm nay không còn một hồn bao la, tôi thấy tôi là chút mực nhoè, tôi như đá nặng nề” (Ngày nay không còn bé). John F. Kavanaugh nhận định[3] : con người hướng về điều tốt lành nhưng không vì thế mà con người sẽ luôn hành động đúng. Điều quan trọng hệ tại ở tự do chọn lựa của của mỗi người. Điều gì đã khiến con người thay đổi bản tánh của mình như vậy? Phải chăng hành trình mà con người đang đi là một hành trình của thách đố với những cuộc chạm trán dữ dội: với những thách đố, với những cám dỗ, với những con người, với những thất bại…để từ đó khiến con người ‘không còn như xưa’. Quả vậy, những cuộc chạm trán ấy có thể làm cho con người ‘khép cửa’ đối với cuộc đời như chính kinh nghiệm của cố nhạc sĩ: “Lòng tôi có đôi lần khép cửa, rồi bên vết thương tôi quỳ”(Đêm thấy ta là thác đổ). Những ‘vết thương’ vẫn còn âm ỉ trong tâm hồn có thể giam giữ con người trong đau khổ và dằn vặt. Những lúc ấy, mọi người chỉ thấy tôi hiện diện với ‘thân xác không hồn’ vì ‘con người thực’ của tôi đã ‘bị tù đày’ tự lúc nào: tôi đã trốn chạy cuộc đời và sống với những chiếc mặt nạ. Chỉ có tự do mới thực sự cứu vãn con người ra khỏi những bức tường ngăn cách, khỏi những căn phòng tối để bước ra ánh sáng. Vẫn còn đó biết bao con người đang bị giam hãm cách vô hình như vậy nhưng có khi họ chẳng nhận ra. Đời sống có thể có mang lại cho tôi những ‘vết thẹo’, nhưng tôi hãy cứ là chính tôi, hãy cứ hồn nhiên, yêu đời, yêu người như một đứa trẻ: “Hôm nay tôi nghe, tôi cười như đứa bé, cho nên tôi yêu trái tim không nặng nề, những con tim bạn bè bao la” (Hôm nay tôi nghe).
Có nhiều con đường để đi về phía ‘cánh cửa’ đằng sau cái chết: “đường phố buồn; đường phố cười; đường hắt hiu; đường trái tim; đường nối liền…” (Có những con đường). Đối với cố nhạc sĩ, ông chọn cho mình con đường của ‘con tim thành thật’ và ‘vui với cuộc đời’. Ông đã không ngần ngại khẳng định tầm quan trọng của một con tim biết rung động: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” (Để gió cuốn đi). Tấm lòng chân thật càng cần biết chừng nào trong một thế giới đầy dẫy với những dối gian. Tôi thành thật với bản thân khi vui nhận ‘mình như mình là’: cả những thua thiệt, cả những điều hay. Tôi sống chân thành với cuộc đời bằng cả con tim thuần khiết: “Đời đã cho tôi một đời, chỉ có ta trong một thời, một thời với yêu người mà thôi” (Chỉ có ta trong cuộc đời). Khi tôi cho đi tình yêu là lúc tôi nhận được tình yêu: “Những con mắt tình nhân, nuôi ta biết nồng nàn; những con mắt thù hận cho ta đời lạnh câm” (Những con mắt trần gian). Sống trong một thế giới càng có những ‘tấm lòng’ sẵn sàng mở ra để đến với mọi người, cuộc sống càng trở nên tươi đẹp và ấm áp biết bao: “Xin cấy lại niềm tin, những con mắt cuồng thắm; xin tươi sáng một lần, cho con mắt người tình, ấm như lời hỏi han” (Những con mắt trần gian). Manuel nhận định [4]: Tình yêu nên được diễn tả bằng hành động hơn là lời nói, và nếu tôi muốn biết được tình yêu có thể giúp gì cho tôi, hãy khám phá bằng những trải nghiệm hơn là những dòng liệt kê vô nghĩa. Tom Jones cũng cho rằng: “Không có tình yêu, thì bạn chẳng còn là gì.” Thứ đến, Cuộc đời này đáng để vui và tôi có thể nhận ra niềm vui ở bất cứ đâu: được sống thêm một ngày, được chiêm ngắm một cảnh đẹp, được một sự hỏi han…và đôi khi niềm vui ấy đến từ những điều rất ư giản đơn trong thường ngày: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Sống chung một mái nhà mà không nghe thấy tiếng cười của nhau thì có khác gì là một cuộc đọa đày. Cuộc đời này cần lắm những nụ cười và con người mọi thời đều cần lắm những nụ cười: “Những khi chiều tới cần có một tiếng cười” (Để gió cuốn đi). Theo Robert O. Hohann[5]: Nhân loại không phải chỉ là một tập hợp những cá thể riêng biệt cùng thỏa mãn những nhu cầu chung, quan trọng hơn, nhân loại là một cộng đồng những ngôi vị có tương quan. Tuy những khó khăn trong cuộc sống vẫn còn đó nhưng tôi luôn tự do để chọn cho mình cách sống nào tốt hơn: “Hãy cứ vui như mọi ngày, dù ngày mai em như chim bay, dù chiều nay không ai qua đây, dù trong ta đêm thì thầm tiếng buồn (Hãy cứ vui như mọi ngày).
Dù muốn dù không, hành trình của con người rồi cũng có lúc đi về phía cuối con đường, về phía sau ‘cánh cửa’ sự chết – nơi mà tôi chẳng biết chút gì. Tuy vậy, được hiện diện trong cuộc đời này, được gặp gỡ con người đã đủ để tôi sống với lòng tri ân cuộc đời: “Mặt trời mặt trời đã lên, một ngày một ngày đã qua rồi; từng ngày thấy mặt trời, thấy mọi người lòng đã thấy vui…từng ngày từng ngày nhớ ơn đời”(Còn thấy mặt người). Một khi sống thành thật với con người của mình, yêu người, yêu đời… tôi sẽ thấy bình an vì đã sống ‘trọn’ cuộc đời mình, không hối tiếc cho dù có những lần vấp ngã. Nếu từ hư vô mà tôi được tác tạo để trở nên ‘hạt bụi tuyệt vời’ thì tôi hoàn toàn có quyền tin rằng ‘hạt bụi’ ấy sẽ không tan biến một cách vô nghĩa ở phía sau ‘cánh cửa’.
Hoàng Thanh Phong, S.J
Học Viên Triết I
Học Viện Thánh Giuse, Dòng Tên
[1] X. Manuel B.Dy.Jr.,Ph.D, Philosophy of Man – Selected Readings, Second Edition, Nxb.Goodwill Bookstore, Philipines, 2001, Tr. 34
[2] X. Mạnh Tử, chương 6
[3] X. Manuel B.Dy.Jr.,Ph.D, Sđd, tr.169
[4] X. Manuel B.Dy.Jr.,Ph.D, Sđd, tr.228
[5] X. Manuel B.Dy.Jr.,Ph.D, Sđd, tr.249
Không có nhận xét nào