DIỄN NGUYỆN
DIỄN NGUYỆN LÀ GÌ?
I. KHÁI NIỆM
Trong nghệ thuật, các loại hình như: hát, múa, kịch… là những loại hình có những nét đặc thù của riêng mình, tạo nên một vị trí cốt cán, đặc biệt trong “làng nghệ thuật”.
Trong môi trường tôn giáo, ngày nay mọi người nhắc nhiều đến Diễn Nguyện là một hình thức cầu nguyện luôn có sự sắp xếp cùng với những loại hình nghệ thuật như: diễn kịch, múa, hát, hợp xướng… Diễn nguyện là một nghi lễ tôn giáo mang tính nghệ thuật thờ phượng vì thế, dù có “đất diễn” rộng lớn nhưng vẫn luôn đòi hỏi một sự trang nghiêm xứng hợp.
Diễn nguyện: gồm hai chiều kích diễn và nguyện
Nguyện: là cầu nguyện, suy nguyện, suy ngắm…
Diễn: dùng ngôn ngữ, cử điệu để diễn tả, diễn đạt những biến cố lịch sử mang tính tôn giáo, có trong kinh thánh, diễn đạt về những tấm gương thánh nhân…, hay cũng có thể là diễn đạt, diễn tả những ước mơ, khát vọng, đau buồn, phấn khởi, lo toan, niềm hạnh phúc, những biến cố đã qua hay những ước vọng cho ngày mai, tất cả những điều này luôn được hướng dẫn và soi rọi bằng sức mạnh kín múc từ Thiên Chúa, từ lòng yêu thương bác ái là những điều căn bản của Kitô giáo, và trên hết đó là tâm tình cầu nguyện của chính người diễn.
Vì để giúp người khác cầu nguyện thông qua chương trình diễn nguyện, nên đòi buộc người diễn trước tiên cũng cần phải cầu nguyện được bằng chính nội dung mình diễn. Nhờ đó nội dung được diễn ra có chiều sâu nội tâm, và đưa chương trình, hay buổi diễn nguyện đạt tới mục đích cần thiết.
II. TÍNH ĐẶC THÙ CỦA DIỄN NGUYỆN
Diễn nguyện là một nghệ thuật mang tính tôn giáo, phong phú trong sự kết hợp đa dạng các loại hình nghệ thuật. Diễn nguyện không chỉ có nhiệm vụ là phản ánh hiện thực hay tư tưởng, nhưng diễn nguyện còn có nhiệm vụ làm cho tinh thần cầu nguyện được sống động nơi người tham dự.
Và không chỉ biểu thị động tác múa của cơ thể con người như là một ngôn ngữ độc đáo, mà điều chính yếu của diễn nguyện là thể hiện nội tâm con người bằng lời ca tiếng hát, những bài hát có thể là một trường ca, hay chỉ là một điệp khúc, một câu hát ngắn lặp đi lặp lại trong suốt chương trình, xen kẽ giữa những phần chuyển tiếp, có tác dụng nối kết ý cầu nguyện và cũng là sự cô đọng nội dung chính của chương trình. Nhưng cũng có khi trong diễn nguyện có sự kết hợp giữa ca hát, múa, minh họa, kịch, hình ảnh… để diễn đạt. Tuy thế, điều quan trọng là tất cả những hình thức, tiết mục hay phân đoạn này phải được xây dựng bám sát theo mục đích của chương trình, phải mang ý nghĩa thống nhất. Đồng thời, khi kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật trong một chương trình diễn nguyện, thì vẫn phải đảm bảo tính xuyên suốt, tính logic, tính phát triển (hay còn có thể gọi là kịch tính) và sự hài hòa của chương trình, phải tạo được điểm nhấn, điểm sáng để toàn bộ chương trình không mang cảm giác đều đều, gây sự nhàm chán… cho người tham dự.
Đặc biệt, phân đoạn hay tiết mục mở đầu và kết thúc phải mang tính chủ đề rõ ràng, khái quát và đưa ra được ý nghĩa của toàn bộ chương trình.
Chương 2: NGUYÊN TẮC DÀN DỰNG
Vì diễn nguyện có những nguyên tắc riêng biệt, đặc trưng, nên khi dàn dựng cần chú ý:
I- BỐI CẢNH
Nói đến bối cảnh là nói đến địa điểm, không gian và thời gian. Trong mối liên hệ này,một buổi diễn nguyện có thể được diễn ra trong thánh đường, trên gian cung thánh hoặc một sân khấu ngoài trời.
Chọn lựa bối cảnh để xây dựng kịch bản diễn nguyện có một vai trò quan trọng trong sự thành công của buổi diễn nguyện. Biết được bối cảnh nơi sẽ diễn ra buổi diễn nguyện sẽ giúp người viết dàn dựng kịch bản cách chủ động hơn. Điều này tác động trực tiếp đến ngay bước đầu tiên của việc dàn dựng một kịch bản, nó giúp chúng ta hình dung ra được khung cảnh, bề ngang, bề rộng, bề sâu... của sân khấu, mật độ của ánh sáng, tiếng ồn (nếu có) và hình dung được cả sự tác động của những điều này đến tâm lý và thể lý của người tham dự.
Chủ động trong việc xây dựng kịch bản qua việc biết được bối cảnh của buổi diễn nguyện cũng sẽ giúp chúng ta chủ động trong việc chọn lựa số lượng người tham dự diễn xuất sao cho phù hợp với không gian, hài hòa với nội dung và mục đích của buổi diễn nguyện. Bối cảnh của buổi diễn nguyện cũng liên quan đến việc chọn lựa và phối trí âm thanh, ánh sáng, đạo cụ... cho kịch bản của chúng ta. Chính vì vậy đôi lúc chúng ta cần biết rõ về địa điểm nơi sẽ diễn ra buổi diễn nguyện, hoặc nếu không thể đến để biết rõ địa điểm, chúng ta cũng nên có trước thông tin khái quát về địa điểm, không gian và thời gian để xây dựng kịch bản hiệu quả hơn.
II- ĐỐI TƯỢNG
Xây dựng một kịch bản diễn nguyện không thể nào không quan tâm đến đối tượng tham dự. Điều này có ý nghĩa rất lớn đến việc xây dựng nội dung, mục đích và ý nghĩa sau cùng của buổi diễn nguyện.
Đối tượng tham dự trong buổi diễn nguyện có thể là giới gia trưởng, giới hiền mẫu, giới trẻ, phụ huynh,… là buổi diễn nguyện dành riêng cho các em thiếu nhi hoặc dành cho tất cả mọi người. Biết được đối tượng tham dự trong buổi diễn nguyện, cầu nguyện mà chúng ta là người phục vụ, là người điều động, là người diễn viên và cũng là người trực tiếp cầu nguyện, kịch bản của chúng ta sẽ phải được viết sao cho phù hợp với đối tượng, để người tham dự cùng hòa mình vào với nội dung và là người cùng cử hành giờ cầu nguyện này.
III- HÌNH THỨC
Hình thức của buổi diễn nguyện có thể mang tính đơn giản hoặc phức tạp tùy theo việc chúng ta lựa chọn những loại hình nghệ thuật nào có thể áp dụng trong kịch bản của chúng ta. Hình thức nghệ thuật ở đây có thể chỉ đơn thuần là sử dụng nhạc thánh ca, nhạc không lời, những điệu vũ đơn giản, những cử chỉ diễn đạt mộc mạc, lồng trong yếu tố kịch nghệ, đàm thoại hoặc diễn đạt không lời, hoặc có thể kết hợp chung vài loại hình hay tất cả loại hình diễn xuất trong kịch bản của chúng ta. Mặc dù vậy, điều quan trọng hơn hết mà chúng ta luôn cần phải chú ý là hình thức phải diễn đạt được nội dung, mang tính nghệ thuật biểu cảm, nghệ thuật diễn xuất và thông chuyển ý nghĩa tốt nhất đến với người tham dự.
IV- ĐỘNG TÁC
Diễn nguyện là một hình thức cầu nguyện và giúp người khác cùng cầu nguyện, do vậy, mặc dù yếu tố nghệ thuật được nhắm đến trong diễn nguyện là quan trọng, nhưng các động tác thể hiện trong diễn xuất cũng cần phải được chọn lọc sao cho buổi diễn nguyện đạt hiệu quả cao nhất.
Các động tác được sử dụng trong diễn nguyện cần được kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ múa, hình thể, ngôn ngữ ca kịch, thanh nhạc với nét đẹp của văn hóa truyền thống của dân tộc và sự sáng tạo cần thiết. Càng kết hợp giữa nghệ thuật, sự sáng tạo và văn hóa truyền thống, nội dung của buổi diễn nguyện sẽ càng mang tính nhân văn, phù hợp thực tế, vừa duy trì được tính văn hóa và sự đa dạng trong đời sống của quê hương, đất nước và con người.
Ngoài những nguyên tắc để xây dựng một kịch bản cho diễn nguyện như đã đề cập trên đây, những yếu tố về thời gian, không gian, thời tiết, yếu tố văn hóa làng, xã, thôn quê, thành thị cũng rất quan trọng, có tác động không nhỏ và chi phối việc xây dựng nội dung, hình thức của buổi diễn nguyện của chúng ta.
Ngoài ra, người hướng dẫn phải luôn nhớ rằng bản thân họ phải hiểu rõ nội dung và hướng dẫn người khác hiểu rõ nội dung của buổi diễn nguyện. Điều này cần sự sáng tạo trong việc sử dụng và kết hợp các loại hình nghệ thuật, diễn đạt ngôn ngữ cách biểu cảm và gợi cho người khác(các diễn viên, người tham gia diễn xuất) cũng hiểu và diễn đạt nội dung một cách sáng tạo và biểu cảm nhất.
Nt. Maria Thanh Hiếu-Dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm
Không có nhận xét nào