Ơn gọi Linh mục và việc đào tạo, vài nét chấm phá !
Ơn gọi là một huyền nhiệm, mà chúng ta được chính Chúa đã thương tuyển chọn và thánh hiến rồi sai đi với nhiều sứ vụ trong nhiều nét đặc sủng khác nhau. Có những người được chọn để đến với giới tri thức, có người được chọn đến với một tổ chức chính phủ như quân đội, bệnh viện, trường học; có người được chọn để chăm sóc cho những mãnh đời bất hạnh, đau khổ, đói nghèo đang bị gạt ra bên lề của xã hội. Có những người được chọn để đi đến với những vùng ngoại biên xa xôi, vắng bóng niềm tin. Có những người được chọn để đến với bất kỳ trường hợp, cảnh huống tốt xấu nào để rao truyền tình yêu Chúa cho mọi người. Dù cho có được gọi để đi đến bất cứ nơi nào, với tầng lớp nào, với sự khác biệt như thế nào, người môn đệ Chúa Ki-tô luôn thực hiện ba sứ vụ quan trọng đó là làm chứng, rao truyền về một Thiên Chúa tình yêu và thương xót. Ơn gọi trong giáo hội có được sự phong nhiêu là nhờ hồng ân bao la của Chúa. Ơn gọi linh mục thật đặc biệt, vì chính Chúa đã chọn cách đặc biệt và trao ban cho người lãnh nhận một hồng ân cao cả, đó là thiên chức linh mục. Người linh mục được ví như Ki-tô thứ hai, là mục tử của đoàn chiên của Chúa, là đại diện của Chúa ở trần gian để tiếp công trình cứu độ của Chúa. Thế nhưng, con người linh mục dù cho được chính Chúa tuyển chọn và trao ban vẫn không hơn không kém là một con người như bao người khác, vẫn còn đó những thiếu sót của đời linh mục. Trong hàng giáo sĩ đó, vẫn có những người này, người kia, vẫn có những lỗi lầm, vì vẫn còn mang một kiếp người mỏng giòn, yếu đuối. Có những vị linh mục đáng kính, thì cũng có những linh mục đáng kinh vì vần còn đó những yếu kém, thiếu sót mà người linh mục chưa chu toàn hay là bất toàn. Như một nhận định khác cho rằng: “Trong lịch sử Giáo hội, có những con người thánh thiện đạo đức, yếu kém về chiều kích tri thức nhưng vẫn được gọi làm linh mục và đã có thể đạt thành quả mục vụ tốt đẹp” phải chăng đó là một câu trả lời hay là thách thức đối với những người đào tạo hay cho người thụ huấn. Vậy đâu là yếu tố then chốt cho việc đào tạo một người linh mục trưởng thành và thánh thiện ? Đâu là chỗ đứng của tri thức, nó quan trọng như thế nào đối với những ứng sinh linh mục tương lai cũng như chính các linh mục ? Sau đây, chúng ta cùng đi tìm câu trả lời cho những vấn đề trên.
Trước hết, chúng ta cần trả lời cho câu hỏi, linh mục người là ai ? Linh mục là người đại diện Chúa Ki-tô ở trần gian này để ban phát những ân huệ, từ bi, thương xót, tình yêu và sự tha thứ của Chúa như là mục tử của đoàn chiên trong lòng Giáo hội. Căn tính người linh mục nói lên rằng thiên chức linh mục thật cao quý vô cùng mà chính Chúa đã ban cho nhân loại cách nhiệm mầu. Trong Ratio đào tạo linh mục, cũng nói rất rõ về căn tính của người linh mục của Chúa. Dựa trên giáo huấn của Hội Thánh, Ratio phác họa căn tính của người linh mục, như là thành phần của dân Thiên Chúa, là người ở trong Hội Thánh, đồng thời cũng là người đối diện với Hội Thánh (Ratio, số 32; Pastores 16). Người linh mục cần phải giữ thế quân bình cho tương quan lưỡng diện này, vì không thể quá nhấn mạnh đến vai trò là mục tử và là đầu để rồi quên rằng linh mục cũng là một môn đệ của Đức Kitô, một người môn đệ đồng hành với Dân Chúa và ở giữa Dân Chúa. Ngược lại, linh mục cũng không thể dấn thân hoà mình vào giữa đoàn chiên để rồi coi nhẹ vai trò là mục tử và là đầu đối diện với Hội Thánh. Nguyên mẫu của linh mục là chính Chúa Giêsu. Mục tiêu của việc đào tạo linh mục là khơi dậy nơi cuộc đời người môn đệ những tâm tình và lối sống của Con Thiên Chúa (x. Ratio, số 69). Linh mục là người tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô, là cộng tác viên của giám mục, là dấu chỉ hữu hình của lòng thương xót của Thiên Chúa trong Hội Thánh và trong thế giới (x. Ratio, số 35). Đời sống và thừa tác vụ linh mục tự bản chất cắm rễ trong bí tích Thánh Thể (x. số 36). Linh mục là mục tử, và đây là trọng tâm của việc đồng hình đồng dạng. Linh mục là người noi gương Đức Giêsu Mục tử, qui tụ đoàn chiên, đi theo và chăm sóc các con chiên, đến độ có thể hy sinh mạng sống vì đoàn chiên (x. số 37). Linh mục cần từ bỏ tất cả, nhất là những lợi lộc vui thú riêng tư, như Đức Giêsu, để sinh sản và dẫn dắt Dân Thiên Chúa. Linh mục xét như là tôi tớ của mọi người. Khi là tôi tớ, linh mục xác tín rằng mình được gọi để phục vụ, phục vụ trong khiêm tốn, như Con Người (x. Mt 20, 25-28), chứ không coi thừa tác vụ như một đặc ân hoặc nghề nghiệp (x. số 42). Ratio nhắc nhở rằng quyền bính là để phục vụ. Hội Thánh không phải một định chế của loài người, vì thế linh mục phải loại trừ não trạng giáo sĩ trị (cléricalisme) (x. số 33-34). Linh mục còn là vị hôn phu của Chúa, là người của muôn người. Khi là hôn phu, linh mục như hôn phu yêu mến hiền thê và hy sinh mạng sống mình vì hiền thê yêu dấu (x. số 38-39). Cuối cùng, linh mục là người loan báo Tin Mừng cách sát sao nhất, đây được coi như là nhiệm vụ và bổn phận, trách nhiệm của linh mục trong việc gieo mầm đức tin cho mọi người. Khi loan báo Tin Mừng, linh mục là “môn đệ truyền giáo” (x. số 44, 54). Đời sống của linh mục phải trở thành dấu chỉ hữu hình của lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người. Ratio cũng nhấn mạnh đến tinh thần truyền giáo của linh mục, trong đào tạo. “Nhờ kết hợp với Đức Kitô, linh mục có khả năng loan báo Tin Mừng và trở thành khí cụ của lòng thương xót của Thiên Chúa, có khả năng dẫn dắt và sửa bảo, chuyển cầu và chăm sóc đời sống thiêng liêng của các tín hữu được trao phó cho mình ; lắng nghe, đón tiếp và đáp ứng các nhu cầu và những vấn nạn sâu xa của thời đại hôm nay” (Ratio, số 40). Linh mục được đào tạo để trở thành “con người mầu nhiệm, con người hiệp thông và con người truyền giáo”. Hội thảo của Liên Hội Đồng Giám mục Á Châu họp tại Thái Lan, 3-12/1/2000, các giám mục đã đề nghị một hình ảnh sống động của người linh mục Á Châu với bốn đặc tính: Linh mục là con người của sự thiêng thánh, linh mục là con người trưởng thành, linh mục là con người của đối thoại và là con người của khiêm tốn phục vụ. Để trở thành một linh mục đạt được như thế, phải trải qua quá trình đào luyện và tự đào luyện cách cam go, khó khăn và kiên trì. Hơn thế, con người linh mục cần đến sự trợ giúp của ơn trên rất nhiều, nếu không muốn nói là tất cả. Vì thế mà Ratio đã đưa ra bốn chiều kích căn bản cho việc đào tạo và đưa chiều kích nhân bản và thiêng liêng lên trước hai chiều kích còn lại. Tuy vậy, chiều kích nào cũng quan trọng cả, vì bỏ qua một khía cạnh nào đó trong bốn chiều kích ấy, đời sống linh mục của họ sau này gặp phải nhiều khó khăn, phức tạp và nhiều thất bại cứ thế cũng đi kèm. Bốn chiều kích đó là nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ.
Đào tạo linh mục luôn là mối quan tâm hàng đầu của Hội Thánh. Sau Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis năm 1970s, dựa vào những thay đổi của Giáo luật 1983, Bộ Giáo sĩ đã công bố Ratio Fundamentalis Intitutionis Sacerdotalis ngày 19-3-1985. Sau đó, một văn kiện rất quan trọng mang tính tổng hợp là tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Pastores Dabo Vobis (1992) của thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II về việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay. Từ đó đến nay đã có rất nhiều văn kiện của các Hội Thánh tại các quốc gia nhằm áp dụng việc đào tạo linh mục vào hoàn cảnh đặc thù của các địa phương. Ứng sinh linh mục “tựa như viên kim cương thô, cần mài giũa cẩn thận và kiên trì, với sự tôn trọng các lương tâm, để viên kim cương chiếu sáng giữa lòng Dân Chúa” (Ratio, Dẫn nhập, số 1). Ratio nhấn mạnh tới đào tạo phẩm chất của con người linh mục. Việc đào tạo trong chủng viện không phải là cung cấp kiến thức để các chủng sinh trở thành công nhân viên chức của Hội Thánh, trái lại, đó là một tiến trình đào tạo các mục tử. Vì thế, như đã nói trên, các giai đoạn trong chủng viện đã được đổi tên gọi: từ thời kỳ “đào tạo thành môn đệ”, sang thời kỳ “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, rồi tới thời kỳ “tổng hợp ơn gọi”. Suốt cuộc đời, từ thời làm chủng sinh đến khi đã là linh mục, lúc nào người ta cũng là môn đệ, với ước muốn được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô để thi hành thừa tác vụ của người mục tử (x. Ratio, số 57). Đào tạo linh mục là đào tạo những người môn đệ Đức Kitô biết lắng nghe Lời Chúa, biết gắn bó với Chúa và quảng đại đi theo Chúa, biết hoán cải liên tục từng ngày để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, mang lấy thái độ tự hiến của Chúa để hiến mình vì đoàn chiên và nhiệt thành loan báo Tin Mừng. “Linh mục không được coi thừa tác vụ của mình như là một lô các việc phải làm hoặc các chuẩn mực phải tuân giữ, nhưng phải cố gắng để làm cho đời mình thành một “nơi” đón nhận và lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe anh chị em mình” (Ratio, số 120). Vì nhằm đào tạo những mục tử ưu tuyển cho Hội Thánh, nên cần thận trọng ngay từ giai đoạn tuyển chọn ứng sinh: “Cần xét xem người này có ở gần Chúa không, có là người lành mạnh không, quân bình không, có khả năng trao hiến cuộc đời và loan báo Tin Mừng không, có khả năng đào tạo một gia đình và đồng thời từ chối đời sống gia đình để theo Chúa Giêsu không. Ngày nay chúng ta có rất nhiều vấn đề, trong nhiều giáo phận, vì một vài giám mục đã sai lầm khi nhận những người đã bị các chủng viện khác hay hội dòng khác trục xuất, với lý do đang thiếu linh mục. Làm ơn ! xin đừng làm như thế ! Chúng ta phải nghĩ tới thiện ích của Dân Chúa” (ĐGH Phanxicô, Diễn từ ngày 3-10-2014).
Thiết nghĩ, bốn chiều kích như là sự tổng hợp, móc nối với nhau, liên kết chặt chẽ với nhau. Vì thế, khi thiếu một trong các chiều kích đó người linh mục đó khó lòng chu toàn các phận vụ của mình cho trọn hảo được. Một linh mục mà không có nhân bản thì trở nên thô thiển, thiếu tế nhị. Một linh mục thiếu chiều kích thiêng liêng sẽ không thể là móc nối, là thầy dạy cầu nguyện cho con chiên của mình được, sẽ trở nên thô ráp, bề ngoài (hình thức). Một linh mục mà thiếu tri thức thì cũng không chu toàn việc giáo huấn của mình được, bởi vì không có gì để nói, không biết gì để nói và đôi lúc không biết làm gì. Và một linh mục mà không có lòng hăng say mục vụ, hay không được đào luyện về mục vụ thì ắt hẳn sẽ thất bại, trở nên lãnh địa, trở nên độc tài, có nguy cơ mang căn bệnh “giáo sĩ trị”. Vậy nên, nếu thiếu một trong bốn chiều kích đời linh mục trở nên chênh vênh, chao đảo chưa nói gì đến thành công. Khi chúng ta nói đến căn tính của người linh mục, nhiệm vụ, trách nhiệm và những điểm chính yếu cần có của linh mục ta thấy được rằng, không phải chỉ chú trọng đến tri thức không thôi nhưng còn phải chú trọng đến cái tổng thể. Ơn gọi linh mục đến từ Chúa, do Chúa và trao ban bởi hồng ân nhưng không của Chúa. Vậy nên, tác nhân quan trọng trong việc đào tạo linh mục không ai khác chính là Chúa Thánh Thần, và cũng chính Chúa Thánh Thần thánh hóa người linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Vậy nên đời sống thiêng liêng phải là chiều kích nổi trội hơn và là chìa khóa cho tất cả các chiều kích khác. “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em”(Ga 15,16); và Ơn Ta đủ cho con là thế. Mặc dù còn thiếu thốn về mặt tri thức, nhưng người linh mục được lòng đạo đức nhiệt thành, nhờ ơn trên soi dẫn, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, họ gắn bó mật thiết với Chúa nên công việc của họ vẫn thành công. Một điều nữa là ở đây phải xét là thiếu thốn về tri thức nào, bởi lẽ kiến thức nhân loại quá khổng lồ và bao la biết mấy. Hơn thế, con người ai cũng có những thế mạnh riêng, lãnh vực riêng của họ. Người linh mục với trách nhiệm là rao truyền tình yêu Chúa, trao ban ơn cứu độ của Chúa, máng thông ơn thánh của Chúa cho mọi người. Vì thế, linh mục không phải là con người của kiến trúc, xây dựng, thời trang, phong cách, chính trị mà là người phục vụ Chúa Ki-tô. Vậy nên tri thức ở đây cũng phải giới hạn lại, không phải là bao trọn, như thế sẽ dễ đá “lộn sân” mất rồi. Tri thức người linh mục cần có không phải gì cao siêu về khoa học, vật lý, nhưng là những gì hữu ích giúp cho các ngài tiếp cận, tương giao, tương tác với mọi người tốt hơn, và tri thức chỉ là phương tiện để giúp người linh mục phân định, xử lý vấn đề dễ dàng hơn. Vì thế, chỉ cần có những kiến thưc cơ bản, hiểu rõ về các kiến thức thần học, kiến thức mục vụ là đã đủ để có thể thành công trong công việc rồi. Đức Giáo Hoàng Phao Lô IV đã từng nói, con người hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy, mà có là thầy dạy, thì trước hết phải là những chứng nhân. Chứng tá đầu tiên là đời sống nhân bản và thiêng liêng của các linh mục. Vì thế, mặc dù thiếu thốn, yếu kém về tri thức (ở đây ý nói là tri thức khoa học, không quan trọng lắm tới tâm linh) nhưng lại rất thánh thiện đạo đức sẽ vẫn thành công trên công việc mục vụ dân Thiên Chúa. Thứ đến, cũng xét về khía cạnh có tri thức mạnh nhưng lại không có lòng đạo đức thánh thiện thì cũng không bao giờ thành công được. Điều này cũng giống như nói mà không làm, không gương mẫu, không có sức lôi cuốn người ta đến với Chúa, mà điều lôi cuốn nhất là mẫu mực trong đời sống cầu nguyện, thiêng liêng. Linh mục trước hết phải là người của cầu nguyện, của những việc đạo đức. Tuy vậy, nhưng không vì thế mà người linh mục không lấy việc truy tầm kiến thức làm hành trang cho đời sống của mình. Tri thức giúp linh mục thực hiện các phận vụ của mình trở nên tốt hơn, khoa học hơn, sâu sắc hơn.
Nói tóm lại, tri thức đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo con người linh mục tương lai, nhưng nó cũng chỉ là phương tiện cho các ngài mà thôi. Điều quan trọng là sống và thực hiện những gì đã được thụ huấn vào đời sống hằng ngày của mình. Linh mục luôn là cầu nối, chỗ dựa tinh thần cho mọi người tìm về với Chúa. Vậy nên cần lắm những người linh mục khôn ngoan thánh thiện, tài đức vẹn toàn để dẫn dắt họ trong hành trình đức tin của mình. Ơn gọi linh mục đến từ ơn ban trên xuống, nên không phải là tài giỏi, người nắm gọn tri thức, nhưng là ơn trên, Chúa gọi ai thì người ấy mới được. Mới đây, một chủng sinh bị ung thư đang nằm trên giường bệnh đã được truyền chức linh mục, nhắc tới đây để muốn nói rằng, ơn gọi linh mục cao quý và nhưng không từ Chúa, do Chúa. Thành công và thất bại không phải do tri thức, mà là ở việc linh mục đó có để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn hay không, đời sống đạo đức thánh thiện là câu trả lời cho điều này. Nói như thế, không phải phủ nhận tầm quan trọng của chiều kích tri thức, nhưng là để thấy được cái cốt yếu của một người linh mục, trong phận vụ của mình. Nhưng phải nói lại, tri thức về đời sống thiêng liêng đôi lúc đến từ sự chiêm ngắm của bản thân đối với Chúa của cá nhân người linh mục. Hơn thế, không kể những tri thức không thuộc Thánh khoa, các bí tích và quy luật Phượng Tự, đời sống thiêng liêng, mục vụ thì người linh mục cần phải nắm rõ, hiểu rõ, để có thể đáp ứng cho công việc của mình. Nếu yếu kém về tri thức này thì không bao giờ thành công trong mục vụ được, đôi lúc dẫn đến sai lạc đức tin, bè rối. Nếu có thể được, người linh mục phải được chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành trang cuộc đời mình bằng việc tự đào tào và được đào tạo. Câu nói trên có phần mỉa mai, lên án với dáng vẻ thành kiến với những linh mục không mấy giỏi giang về tri thức, văn chương. Trước khi nói điều này, thiết nghĩ cần biết về căn tính người linh mục và bổn phận cũng như cái căn cốt của ơn gọi linh mục, mặc dù tri thức cũng quan trọng không kém, nhưng như Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng, không phải đào tạo những người khoa bảng, biến linh mục trở thành nghề, và địa vị xã hội. Nói như thế để chúng ta biết rằng, chúng ta cần có những thái độ đứng đắn và nghiêm túc trong từng vấn đề khi đối diện với những vấn đề tâm linh và đánh giá chúng. Hơn thế, giữa lý trí và đức tin có những ranh giới riêng của nó, bởi vì cái biết của con người khác với cái biết cảu Thiên Chúa. Vì quá lý trí mà bỏ quên ơn trên, nên mới xảy ra điều này điều kia, giáo phái này, bè rối kia, lạc thuyết này lạc thuyết kia.
Hư Vô
hay quá thầy hợp ơi.
Trả lờiXóa