Cung cách sám hối của người đón nhận ơn tha thứ
Suy niệm Thứ 7- CN III Mùa Chay 2020
Ta đã bước vào ngày cuối tuần thứ III Mùa chay, lời kêu gọi sám hối và tin vào Tin Mừng, canh tân đổi mới đời sống của bản thân vẫn khẩn thiết được gửi đến từng người trong chúng ta từ linh mục đến tu sĩ và giáo dân. Việc sám hối trở về là việc của mọi người, tuy nhiên có nhiều người trong chúng ta vẫn chưa có một quyết định thay đổi cụ thể nào, lý do vì họ không nhận ra những sai lầm thiếu sót của mình, là vì họ làm sai mà cứ cho là đúng, họ để cho sự kiêu căng tự mãn che khuất nên không thể nhìn thấy rõ thực chất tình trạng con người của mình.
Sám hối không phải chỉ là tẩy rửa định kỳ, sám hối cũng không phải chỉ là thay đổi lối sống, vẫn không đủ. Nhưng sám hối chính là thay đổi não trạng, thay đổi giá trị trong tâm thức của ta. Lúc đó, ta mới cảm thấy ý nghĩa cho cuộc đời, mới cảm thấy thú vị, thích thú. Thay đổi não trạng chính là đón nhận tin thần của Chúa, chỉ có tinh thần của Chúa thì mới biết được ý Chúa. Có tinh thần của Chúa thì mới cảm được cái hay của chương trình cứu độ của Chúa. Có tinh thần của Chúa thì nó mới có thể bước đi vững bền nhờ ơn Thánh Thần. Thánh thần biến đổi trong ta để ta thấy được cái đẹp của nước Chúa, cái đẹp của những giá trị Tin Mừng, thấy được cái đẹp của Chúa, thấy được cái đẹp của nước Trời. Thánh thần làm cho ta thấy thú vị về nó. Không có Thánh thần ta sẽ không có chân trời, là ta đụng Trần, ta sẽ so chiếu đời mình với bộ luật. Sám hối đích thực phải nhờ đến sự biến đổi từ bên trong nhờ Chúa Thánh Thần. Đừng nhìn cái ở bên ngoài mà đánh giá, nhầm to rồi.Bởi vì có lẽ như họ đang so chiếu với luật, với cái gì mà không phải là với ai. Nhưng sám hối là khám phá cái hay, cái đẹp của nước Trời, mở lòng ta ra để Chúa dẫn dắt, ta mới thực sự là chính mình. Mở ra chân trời mới với Chúa, với ai chứ không phải bộ luật. Không dừng lại ở tẩy rửa định kỳ, không dừng lại ở thay đổi lối sống nhưng là thay đổi não trạng. Sức sống của Chúa là tinh tuyền, không có bóng dáng của sự ác, của giận dữ, thù hận. Sám hối là đối diện với Chúa. Sám hối là Sống với ai, chứ không phải là sống như thế nào.
Khi tôi càng thấy tôi yếu, là khi tôi mạnh khi tôi càng thấy tôi được tha nhiều thì tôi yêu mến nhiều và khi tôi càng yêu mến nhiều thì tôi càng nhận ra quả thật tôi mắc nợ tình yêu của Chúa, nợ của tình nghĩa nhiều ơi là nhiều. Mắc nợ trong niềm vui. Càng thánh thiện bao nhiêu, càng thấy mình là hư vô, Chúa là tất cả. người càng thuộc về, thì càng gắn bó bằng ơn huệ Chúa bấy nhiêu và nhiều hơn nữa. Sám hối là nhận ra, có cái chân trời, sám hối trong niềm vui của Chúa.
Chúa dạy ta cầu nguyện vào phòng đóng cửa lại, riêng tư nhưng không phải một mình, mà có Ai biết, đó là Chúa cha biết, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn tâm can. Cầu nguyện là con người sống tương giao thân mật với Chúa. Khi chân nhận Phận người của mình vốn yếu đuối mỏng dòn, dễ sa ngã trước những cám dỗ của danh vọng, tiền tài, lạc thú mà làm những điều mất lòng Thiên Chúa, xúc phạm đến danh thánh Người và xúc phạm đến nhân phẩm những kẻ đang sống chung quanh; Vì thế, phải khiêm hạ và chân thành trước Thiên Chúa toàn năng, Đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ, để nhận ra những sai trái trong việc mình làm mà xin lỗi Ngài.
Thánh sử Matthêo nhắc đến hai người cùng lên đền thờ để cầu nguyện, nhưng thái độ và tâm tình thì hoàn toàn khác nhau. Người Pharisêu thì "đứng thẳng", tạ ơn Chúa vì những thành tích mà mình đạt được : "ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi ". Còn "người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội ". Tâm thế của hai người hoàn toàn khác nhau. Chúa Giêsu đã kết luận rằng : người thu thuế " ra về được khỏi tội, còn người kia thì không ". Khẳng định ấy của Chúa thật khiến nhiều người bỡ ngỡ. Nếu xét cho kĩ, thì chúng ta có thể hiểu rằng : Người Pharisêu không được đẹp lòng Chúa vì ông ta kiêu ngạo " tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác ". Còn người thu thuế thì thất vọng về bản thân và nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng khiêm cung tín thác của người thu thuế đã làm hài lòng Thiên Chúa.
Sự kiêu căng tự mãn nó cũng che khuất con mắt của người biệt phái hôm nay, anh ta lên đền thờ với tư thế hiên ngang tự đắc, anh nghĩ rằng các thành tích anh đã làm khiến cho Thiên Chúa phải “nể” anh và mắc nợ anh. Thực sự người biệt phái này không hề cầu nguyện, mà anh đang làm một bản báo cáo thành tích của chính mình và kể lể công trạng trước mắt Chúa: Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười thu nhập hằng ngày. Việc làm ấy quá tốt, vượt trên cả luật lệ quy định về ăn chay, thế nhưng, anh ăn chay không phải để đền tội hy sinh, cũng không phải để chuẩn bị đón Đấng Mesia như ý nghĩa ban đầu của nó, mà anh ăn chay và giữ luật chỉ để cho thấy anh hơn người khác. Chính vì thế, ngay từ lời mở đầu anh đã có ý so sánh mình với người khác: Lạy Chúa tôi tạ ơn Chúa vì tôi không như bao kẻ khác, tham lam bất chính, ngoại tình hay như tên thu thuế kia. Không chỉ so sánh công trạng của mình với ngưới khác, nhưng anh còn tỏ vẻ khinh miệt người thu thuế kia, và cứ như anh đã nói, thì có thể thấy anh coi nhưng người khác là những người tội lỗi và phạm những cái tội mà anh không hề phạm, chứng tỏ anh tốt hơn họ rất nhiều, anh thầm muốn nói điều đó qua lời cầu của mình.
Trong khi đó, người thu thuế nhận ra tình trạng khốn khổ tội nghiệp tội lỗi bất xứng của mình, anh không dám ngửa mắt lên trời, mà chỉ đấm ngực cầu nguyện với lòng sám hối chân thành: Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Anh không dám kể lể gì, vì anh thấy mình chẳng có công trạng gì, anh đã nhìn thấy sự thiếu sót khiếm khuyết và tội lỗi của mình, anh biết rằng vì nghề nghiệp, vì cuộc sống mà anh đã phải làm một cái nghề bị xã hội đương thời kết án là ô uế tội lỗi, vì anh đã thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người và vì sự cuốn hút của đồng tiền khiến anh cũng không thể cầm lòng được. Chính vì ý thức và nhìn thấy thực trạng con người của mình trước mặt Chúa và trước mặt mọi người, nên anh chỉ còn biết kêu xin lòng thương xót và sư tha thứ của Thiên Chúa. Anh cũng có lẽ thì thầm với Chúa, con mệt mỏi lắm rồi.
Về phía Thiên Chúa, Ngài chỉ chờ đợi có như thế Ngài chỉ mong muốn không phải là những thành tích dài dòng, không phải là những báo cáo tổng kết, mà là một “tấm lòng tan nát khiêm cung”, tan nát vì hối hận, vì thấy rằng mình đã làm tổn thương đến tình yêu của Thiên Chúa là Cha, khiêm cung vì nhìn thấy mình hoàn toàn bất xứng đáng bị trừng phạt hơn là được khoan dung, khiêm cung để nhìn thấy được tình yêu và lòng quảng đại tha thứ của Chúa. Thiên Chúa muốn và chờ đợi thái độ như thế, và vì thế, câu chuyện cho thấy Chúa Giêsu tuyên bố:Người thu thuế khi trở về thì được tha thứ và nên công chính, còn người biệt phái thì không. Sự công chính là ân huệ Thiên Chúa chỉ ban cho những ai trung thành tuân giữ lề luật trong tinh thần khiêm hạ và yêu mến thánh danh Ngài.Trong cuộc sống hôm nay, đôi lúc chúng ta cũng giống như người Pha-ri-sêu trong dụ ngôn, tự đánh bóng thành quả những việc lành, đạo đức trong cuộc sống, và coi như là “tấm vé” đảm bảo được vào Nước Trời, dù chúng rất nhỏ nhoi. Thiếu lòng khiêm hạ chân thành, chúng ta dễ dàng đề cao chính mình và coi thường người khác; bởi đó là lằn ranh phân biệt giữa người công chính và kẻ tội lỗi, bất toàn.
Chúng ta thấy con người thường hay nâng mình lên, đặt mình làm trung tâm. Mỗi người Kitô hữu chúng ta khó có thể thoát khỏi não trạng ấy. Chúng ta thường tự mãn với những việc đạo đức mình đã làm và không cần tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa nữa. Lúc đó, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ không được đẹp lòng Chúa. Để lời cầu nguyện được Chúa thương chấp nhận, chúng ta hãy khiêm hạ đặt mình trước mặt Chúa và nài xin lòng thương xót của Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay như một bài học nhắc nhở chúng ta chân nhận về bản thân cách đích thực. Đức Giêsu kể ra một câu chuyện lên đền thờ cầu nguyện với hai hình ảnh trái ngược nhau. Đó là một kinh sư vị vọng, hiên ngang đứng thẳng giữa trung tâm thánh điện, ông cầu nguyện với một thái độ rất tự tin, tự hào nêu bật những thành tích. Hình ảnh thứ hai là một người thu thuế, đứng góc đền thờ, khum người trong sự xấu hổ bẽ bàng, cùng sự thống hối từ con tim: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Ông kinh sư, trong mắt thiên hạ, là người chuẩn không cần chỉnh, chính vì thế ông tưởng mình ngon. Người thu thuế, trong mắt thiên hạ, là tội đồ dân tộc “mê tiền bỏ dân tộc”, là kẻ đáng khinh bỉ. Nhưng “Thiên Chúa biết lòng con người” (Ga 2,25), đã là phận người chẳng ai là toàn vẹn, chỉ hơn nhau ở chỗ ai biết chân nhận về mình, phó thác cậy trông nơi lòng thương xót Chúa – Đấng ghét tội nhưng yêu thương tội nhân. Chính từ sự chân nhận, khiêm tốn thẳm sâu về mình để van xin lòng thương xót của Chúa, người thu thuế đã được bình an ra đi; người còn lại, ông kinh sư ra về mà chẳng hết tội của mình. Đây cũng là thông điệp Chúa cũng gửi đến mỗi chúng ta, cách đặc biệt với những ai luôn tỏ vẻ ta đây ngon, quyền cao chức trọng, xét nét và áp đặt người khác theo ý muốn của mình với võ bọc của sự thánh thiện bên ngoài như người Pharisieu.
Lạy Chúa, xin cho mỗi chúng con luôn biết chân nhận về bản thân mình, để từ đó, chúng con tin tưởng phó thác trọn vẹn đời sống chúng con nơi Chúa. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: đừng bao giờ coi khinh người khác khi cầu nguyện. Không được phán xét anh chị em của ta, trong khi mình cũng là kẻ có tội. Cầu nguyện là hướng tâm hồn lên với Chúa chứ không phải quy về mình. Hãy khiêm tốn thật lòng như người thu thuế, Chúa cần những tâm hồn trung thực và thật tâm như vậy, bởi vì tình thương của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của con người, chỉ cần con người thống hối ăn năn thì dù tội có đỏ như son thì Chúa cũng làm cho trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, Chúa cũng làm cho trắng như bông. Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết “xé lòng chứ đừng xé áo” để đáng được Chúa tha thứ mọi tội lỗi. Và biết thay đổi cung cách, giá trị sống cho mình theo sự hướng dẫn của Thánh Thần Chúa.
Hư Vô
Không có nhận xét nào