Header Ads


 

Người mang trên vai gánh nặng của toàn nhân thế

 
         Tôi không quen lắm hình ảnh một Vatican vắng bóng người. Trong ký ức của tôi, Vatican là nơi tấp nập khách hành hương, là điểm quy tụ của mọi văn hoá và ngôn ngữ. Cứ đến Vatican là thấy những nụ cười hạnh phúc, thấy một bầu không khí nhộn nhịp nhưng cũng không kém phần linh thiêng toả ra từ trái tim của những người con tìm về lòng Mẹ Giáo Hội. Vậy mà bây giờ, Vatican vắng lặng, thưa thớt. Chiều buồn bao phủ Vatican với cơn mưa ảm đạm. Trời tối đen như chính tình cảnh mà thế giới, đặc biệt là nước Ý, đang đối diện lúc này đây.

Tôi nhìn ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô, đứng trên lễ đài giữa quảng trường thánh Phêrô, chỉ một mình ngài (và một linh mục phụ giúp ngài). Bầu không gian chung quanh vắng lặng. Ngài vẫn dõng dạc, giọng nói thân quen, đọc to và rõ bài huấn dụ của mình. Với trái tim người mục tử, ngài cố gắng mang đến cho người nghe sự an ủi qua việc phân tích lời mà Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ khi họ đang ở giữa cơn cuồng phong: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” Rồi giữa cái vắng lặng của thinh không ấy, dưới cơn mưa, ngài bước vào bên trong Đền Thờ. Những bước chân chậm rãi, nặng nề, khập khiễng! Bỗng thấy thương ngài quá đỗi, chỉ sợ ngài trượt ngã vì đường trơn. Không hề có tiếng vỗ tay như thường lệ. Chẳng thấy tiếng hô vang như mọi khi…

      Một ông cụ đã ngoài 80, chỉ còn một lá phổi, đôi chân không còn vững vàng… bận tâm cho toàn nhân loại. Ở cái tuổi này và với vị thế cao trọng của mình, ngài có thể chọn cho mình một lối sống thoải mái và an toàn hơn. Ngài có thể chỉ cần ngồi trong phủ giáo hoàng sang trọng, đầy đủ tiện nghi, tách mình khỏi thế giới dịch bệnh để bảo toàn tính mạng và sức khoẻ. Ngài có đủ lý do để làm những việc ấy, nhưng ngài đã không làm thế. Ngài không chọn tách mình khỏi thế giới. Ngài không muốn là một mục tử xa lìa đàn chiên. Là người được chọn để gìn giữ và ban phát ơn thiêng, ngài tận dụng mọi cơ hội và luôn nghĩ ra sáng kiến để thông chuyển ơn Chúa cho mọi người. Một con tim đầy ắp tình yêu của ngài đã làm cho ngài không bao giờ dám nghỉ ngơi khi Thiên Chúa vẫn đang làm việc.

        Ngài không phải là một khoa học gia để có thể nghiên cứu, tìm ra thuốc chữa trị con virus quái ác đang hoành hành thế giới. Ngài không có chuyên môn về y tế để có thể tự tay chăm sóc cho những bệnh nhân bị con virus này tấn công. Ngài là một mục tử, người được Chúa Giêsu trao phó đàn chiên. Bất lực khi thấy cảnh con người cứ “thi nhau mà chết”, các nhà thờ buộc phải tạm dừng các cuộc hội họp và cử hành phụng vụ, người dân khắp nơi sống trong lo âu và sợ hãi, có lẽ ngài đã thổn thức không ít. Tôi dám quả quyết rằng có thể đã nhiều lần ngài quỳ gối khẩn thiết nài xin Thiên Chúa ban bình an cho nhân loại. Lời cầu nguyện ấy không dành cho chính ngài nhưng dành cho tất cả, tràn đầy cảm xúc, với tất cả sự thành khẩn và van xin não ruột, biết đâu có cả những giọt nước mắt mà chẳng ai hay. Nếu để ngài chết thay cho người khác, tôi tin là ngài cũng chịu, vì ngài đã sẵn lòng đón nhận mệnh lệnh của Chúa là mang trên vai gánh nặng của toàn nhân loại rồi.


       Vatican vắng lặng, làm tôi nhớ đến một Canvê thậm chí còn xơ xác hơn. Lý trí hạn hẹp của tôi không cho tôi câu trả lời rõ ràng nhưng tôi tin rằng Chúa Giêsu đã treo thân mình ở ngọn đồi tang tóc ấy vì tôi. Giêsu đã mang lấy mọi bệnh hoạn tật nguyền của nhân loại, như lời thánh Matthêu trích dẫn từ Cựu Ước (x.Mt 8,17), hay như lời trong thư thánh Phêrô quả quyết: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá” (1Pr 2,24). Canvê đáng lẽ phải là nơi hành hình của tôi, vì những tội lỗi mà tôi phạm phải, nhưng Giêsu đã kịp đến và như thường lệ, Ngài xoa dịu, củng cố lòng tin cho tôi bằng câu nói đầy thân thương “chính Thầy đây, đừng sợ”. Không chỉ tôi, mà cả nhân loại, một nhân loại đang bị cái chết đe doạ, bị bóng tối phủ lấp… đã trở thành lý do cho những nỗi đau từ thể xác tới tinh thần của Giêsu. Giêsu – với trái tim người mục tử nhân lành – vẫn ôm trọn tất cả, tha thứ tất cả và trong cõi tĩnh mịch, lặng thinh của riêng Ngài với Chúa Cha, Ngài đã không ngừng cầu nguyện cho nhân loại, đã chấp nhận trở thành của lễ đền tội, chịu hết tất cả gánh nặng tội lỗi mà nhân loại chồng chất lên vai Ngài.

Người ta thường cố gắng tìm sự an nhàn cho mình và coi đó là điều chính đáng khôn ngoan. Gánh nặng cuộc sống của mỗi người vốn đã đủ để người ta than phiền và gồng mình chịu đựng. Nhưng từ mẫu gương của Giêsu, nhiều người đã chọn cho mình lý tưởng sống là mang dùm người ta những gánh nhọc nhằn của đời nhân thế. Chẳng ai ép họ, chỉ là họ tự thấy lòng mình không thể dửng dưng trước anh chị em đồng loại của mình. Trái tim của họ mách bảo họ rằng tất cả chúng ta là một gia đình và chẳng có ai tách biệt hoàn toàn khỏi người khác. Bởi thế, họ thấy mình thuộc về nhau và họ nghiệm ra được ý nghĩa thật sự của lối sống “phục vụ chứ không phải để được phục vụ”. Tôi thầm cảm ơn Giêsu, cảm ơn Đức Thánh Cha và những người đã luôn cảm thấy hạnh phúc khi tự nguyện chất lên vai mình gánh nặng của người khác, của toàn nhân loại. Ước gì chính tôi cũng được biến đổi để có được trái tim mục tử như họ!

        Trời sắp hết mưa rồi, bóng tối sắp bị dẹp tan. Roma rồi sẽ nên đẹp. Vatican sẽ lại rực sáng trong chiến thắng uy hùng của Vị Cứu Tinh, Đấng đang âm thầm chiến đấu vì chúng ta và sắp sửa phô bày cho chúng ta dung mạo hiển hách trong sự huỷ mình hoàn toàn của Ngài. Một chút nữa thôi, “công trình của Thiên Chúa sẽ được tỏ hiện” (x.Ga 9,3) – tôi tin như thế!

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của Maliketh. Được tạo bởi Blogger.