Header Ads


 

Hiểu đúng ý nghĩa từ ngữ: Vị Tha


VỊ THA
          Từ “vị tha” thường bị hiểu và sử dụng sai theo nghĩa “tha thứ cho người khác”.
         Ví dụ: Chúng ta nên có thái độ vị tha đối với những người lầm đường lạc lối nhưng biết hối lỗi.
         Từ “vị tha” bị hiểu và sử dụng sai là do hiểu sai từ “tha” trong tiếng Hán sang nghĩa của từ "tha" Việt là “bỏ qua cho hoặc miễn cho, không trách cứ hoặc trừng phạt nữa” với nghĩa như từ “tha thứ”; ví dụ: Tha cho nó tội chết; Tao xin mày buông tha tao ra…
          Còn “vị tha” là từ gốc Hán. Trong đó, “vị” là “vì” (vì ai…, vì cái gì…đó); ví dụ: Nghệ thuật vị nhân sinh (nghệ thuật vì con người). Còn “tha” là “người khác”; ví dụ: Tha hóa (nghĩa là thành người khác; không còn là mình nữa); Tha hương (buộc phải sinh sống ở một nơi xa lạ không phải quê hương mình)… Ngược với “kỷ” là “mình”; ví dụ: Vị kỷ (vì mình), Ích kỷ (chỉ biết lợi cho mình), Người tri kỷ (người hiểu mình)…
         Ví dụ: Hành động đánh cướp cứu người của Lục Vân Tiên chính là xuất phát từ lòng vị tha và đạo nghĩa “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của dân tộc Việt Nam.
         Do đó, nghĩa đúng của từ “vị tha” phải là “vì người khác”, “có tinh thần chăm lo đến lợi ích của người khác một cách vô tư, sẵn sàng vì lợi ích của người khác mà hy sinh lợi ích của cá nhân mình”.
         Trong trường hợp dùng sai từ “vị tha” nói trên, nên dùng từ “bao dung” để thay thế sẽ hợp hơn:
        Ví dụ: Chúng ta nên có thái độ bao dung đối với những người lầm đường lạc lối nhưng biết hối lỗi.
       Ông là một người bao dung, dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm thời trẻ của chúng tôi.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của Maliketh. Được tạo bởi Blogger.