Header Ads


 

Suy tư tản mạn: Mối tương quan giữa môi trường và con người, trước thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.

 


Tương quan giữa môi trường và con người theo nhãn quan Kitô giáo


            Vạn vật tồn tại trên cõi đất này không phải tự nhiên mà có, và chúng cũng chẳng ngẫu nhiên duy trì và phát triển mạnh mẽ được nếu không có một tác nhân nào đó bên ngoài. Thật vậy, nhìn vào môi trường chúng ta đang sống hôm nay là bức tranh rõ nét cho kiệt tác tuyệt hảo của một nghệ nhân tài ba. Những ngọn cỏ, giọt mưa hay từng tia nắng, thậm chí là cả những sinh vật lúc nhúc được cấu tạo một cách kỳ diệu. Tuy nhiên, tuyệt tác trọn hảo nhất mà vị nghệ nhân ấy, là Thiên Chúa đã tạo nên, đó là con người. Người đem hình ảnh con người vào trong nền ảnh môi trường để toàn bộ khung ảnh được hoàn thiện theo ý muốn của Thiên Chúa.  Vậy, hẳn môi trường và con người có một mối tương quan nào đó. Chúng ta hãy cùng nhau làm rõ mối tương quan giữa con người và môi trường theo nhãn quan Kito giáo.

            Môi trường là nơi chúng ta sinh sống. Trong sách Sáng Thế, môi trường được chuẩn bị cho con người và môi trường chính là quà tặng của Thiên Chúa. Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra trời và đất (St 2,4).  Môi trường chính là thể hiện sự hiện hữu của Thiên Chúa. Vì tất cả đều xuất phát từ Thiên Chúa và con người có trách nhiệm phải tôn trọng. Còn con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Con người có lí trí và linh hồn. Con người được Thiên Chúa phú bẩm cho một niềm khao khát hướng về Chân – Thiện - Mỹ.

            Như đã nêu trên, tương quan giữa môi trường và con người, trước hết, môi trường thể hiện sự hiện hữu của Thiên Chúa, vì con người chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Theo góc nhìn của xã hội, chúng ta dễ dàng đọc thấy những khẩu hiệu: Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Thật vậy, nơi môi trường và con người có một mối liên hệ mật thiết mang tính sống còn. Cũng vậy, Giáo Hội đã rất quan tâm, lo lắng cho công trình của Thiên Chúa hơn khi sự tàn sát môi trường đang dần tăng cao trong thời đại công nghiệp hóa. Để có được cái nhìn sâu sắc hơn theo nhãn quan Kito giáo, chúng ta cùng minh định mối tương quan đó.

            Môi trường là điều kiện sống còn của con người, con người là một phần của môi trường. Định nghĩa về môi trường thật đơn giản, môi trường là nơi chúng ta sinh sống. Như thế, nước, không khí, đất, thực vật, động vật đều được hiểu là môi trường. Hay theo bác học lừng danh Einstein từng nói: Môi trường là tất cả những gì ngoài ta. Khái quát qua về môi trường như vậy để chúng ta hiểu rõ hơn về nó. Con người muốn sống thì phải hấp thụ khí oxy và muốn đi lại được trên mặt đất thì phải có lực hút của từ trường trái đất. Con người sử dụng tất cả những thứ được cung cấp từ môi trường hoàn toàn miễn phí.  Thật vậy, con người không thể tự duy trì sự sống tự chính bản thân mình mà không cần đến môi trường. Và con người là một phần của môi trường. Nhìn từ ngoài ống kính vệ tinh, trái đất thật đẹp. Tất cả những gì ta nhìn thấy từ vệ tinh là màu xanh dương của biển, màu lá của núi rừng hay màu nâu của những hoang mạc, đất đá. Còn con người quá nhỏ nhỏ bé trong trái đất này. Nói như thế để chúng ta biết rằng ta đang ở đâu và có vị trí như thế nào trong môi trường.  Tuy nhiên, là tuyệt tác được Thiên Chúa tạo nên, con người được hòa mình vào môi trường và cùng sinh sống giữa môi trường. Con người đóng vai trò quan trọng trong môi trường. Để sinh tồn, tức là nói đến chuỗi thức ăn. Nguồn cung cấp thức ăn, thức uống từ môi trường rồi sẽ cạn kiệt nếu con người không biết gìn giữ và bảo tồn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải sống hài hòa với môi trường, tức là vừa sử dụng, vừa bảo vệ. Đây là mối tương quan tương hỗ, cân bằng đôi bên. Đồng thời, môi trường là bức tranh đẹp khi được con người là những vị khách tham quan, chiêm ngướng mà cất lên lời Thánh vịnh: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài.”

            Môi trường tự nhiên là sự hiện diện của Thiên Chúa. Hình ảnh của Thiên Chúa được họa lại rõ nét khi người sáng tạo con người. Tuy nhiên, công trình tạo dựng của Thiên Chúa được bắt nguồn từ việc tạo dựng trời và đất chứ không phải là con người. Trời và đất đó là khởi đầu cho sự xuất hiện của môi trường hay còn có thể nói là trái đất. Kinh Thánh có đoạn nói: “Thần Khí Thiên Chúa bay là là trên mặt nước” (St 1,2). Điều này cho thấy Thiên Chúa hiện diện từ trước và sau khi tạo dựng, Người vẫn hiện diện và hoạt động trong cõi đất là môi trường tự nhiên. Hình ảnh những bông hoa huệ ngoài đồng mà Chúa so sánh với sự hào nhoáng của vị vua hùng cường là Salomon. Chúa nói: “Ngay cả vua Salomon , dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6, 29). Thật vậy, những gì Thiên Chúa tạo nên thì luôn vượt xa những gì được xây dựng bởi con người. Bởi lẽ tất cả những gì diễn ra và mang lại kết quả trong công trình của Thiên Chúa thì luôn tuyệt hảo. Vì Thiên Chúa ở cùng kỳ công của Người và hiện diện ở đó. Tắt một lời, Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ những gì người đã dựng nên, dù sản phẩm đó có bị hư hại hay mối mọt đi thì chúng vẫn có giá trị với Người. Và chắc chắn một điều rằng, tất cả những gì xảy ra trong môi trường tự nhiên này là bởi thánh ý Chúa, chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em.” (Mt 10, 29)

            Con người làm chủ môi trường. Trong sách Sáng Thế nêu bật điểm này, khi Thiên Chúa sáng tạo ra con người Người phán: “Hãy làm chủ cả biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1, 28). Thiên ý của Thiên Chúa là để con người tự do làm chủ môi trường mà Chúa tạo nên, thay mặt Người cai quản công trình của Chúa. Con người giờ đây là hình ảnh của vị quản gia mà Thiên Chúa tin tưởng giao phó, và Thiên Chúa hằng những ước mong cho môi trường Người tạo dựng nên được phát triển, hầu phục vụ tốt nhất cho con người. Nhưng vị quản gia được Chúa tin tưởng đã làm gì cho môi trường được tươi tốt hơn. Nhiều hoạt động vì môi trường đã được xướng lên để nhằm mục đích bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật quý hiếm. Tuy nhiên, công trình nhà Chúa cũng đang bị phá hủy nghiêm trọng bởi chính con người vì sự lộng quyền của mình. Môi trường bị lấy đi hình ảnh ban đầu vốn có của nó. Màu xanh của lá đã ít đi, thưa dần. Màu xanh của nước biến rộng hơn làm tăng nguy cơ xóa sổ nhiều thành phố có địa hình thấp trũng. Trong muôn loài Chúa đã dựng nên, nơi đâu có con người là nơi đó môi trường chịu sự chi phối bởi con người. Tóm lại, Thiên Chúa đã giao phó môi trường cho con người, và đặt chúng ta lên làm chủ. Vì những tên gọi của muôn loài trên trái đất này được đặt bởi con người. Đặc quyền này được Thiên Chúa nói trong sách Sáng Thế:  Hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế” (St 2, 19).

            Chúng ta phải dành sự tôn trọng, bảo vệ môi trường. Đây không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm và bổn phận của chúng ta. Môi trường cho ta nhiều hơn những gì ta cho môi trường. Thật vậy, ai đó từng nói: nếu vắng bóng con người thì môi trường càng trở nên tươi tốt và mọi sinh vật càng sinh sôi nảy nở nhiều hơn. Hay, nếu cây xanh cuối cùng trên trái đất bị chặt xuống, dòng nước cuối cùng vơi cạn, tầng ozon cuối cùng bị lủng thì lúc đó con người cũng sẽ diệt vong. Tầm quan trọng của môi trường với con người là thế đó. Nó đòi hỏi mỗi người chúng ta biết gìn giữ môi trường và làm cho công trình của Thiên Chúa được trổ sinh hoa trái trên khắp cõi đất.

            Thực tế cho thấy môi trường đang bị thiệt hại nghiêm trọng ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Nóng lên toàn cầu đang là hiện tượng “hot” nhất trên các trang báo và nhận được sự quan tâm của các tổ chức và toàn nhân loại. Hiện tượng khởi nguồn do con người. Khí thải công nghiệp chưa qua xử lý được thải vào môi trường không khí, khí thải xe cộ làm cho tầng ozon thủng nhiều hơn, băng tan nhiều hơn. Rác thải nilon tràn lan khắp nơi, đặc biệt là các cống rãnh, sống suối, ao hồ, lòng đất và thậm chí là nơi biển cả. Các loài sinh vật ăn phải chúng đều sẽ chết và cũng từ đó gây hại cho sức khỏe con người. Cây cối bị chặt, đất đai bị cào xới nhằm phục vụ cho công nghiệp xây dựng. Nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng do rác thải và chất thải chưa qua xử lý thải ra môi trường. Cháy rừng ở Úc đã khiến cho hàng triệu động vật phải chết, hàng triệu hecta rừng bị thiêu rụi đã lấy đi môi trướng sống của hàng triệu động vật, thực vật tại đây. Hay hiện tượng nước biển dâng cao, nguy cơ các thành phố thấp trũng bị vùi lấp.

            Trước thực trạng đó, giải pháp đưa ra nhằm bảo vệ môi trường là hết sức cấp thiết. Trước hết, tôn trọng và yêu mến thiên nhiên bằng lối sống giản dị, xem thiên nhiên là nơi Thiên Chúa hiện diện. Nêu gương như thánh Terexa Hài Đồng Giêsu: “Làm việc nhỏ với tình yêu lớn; làm những việc tầm thường với lòng mến phi thường”. Dù là nhặt một cọng rác bỏ vào thùng hay thấy túi nilon, chai nhựa ở vệ đường, cống rãnh nhặt bỏ vào nơi quy định thì ta đã làm việc có ích cho bản thân và người khác rồi. Ngoài ra, bảo vệ môi trường chính là làm chứng cho chân lý, cho Đức Kito. Môi trường có Chúa ở đó, chúng ta bảo vệ môi trường là hành động để người khác nhận biết ta là môn đệ của Người, vì Đức Giesu đã khẳng định: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy” (Ga 13, 15). Là người môn đệ của Chúa, chúng ta cần can đảm để thực thi chứng ta đức tin và rao truyền lời Thiên Chúa là Đấng Hóa Công, Đấng Sáng Tạo. Tóm lại, bảo vệ môi trường là trách nhiệm và là bổn phận của chúng ta, vì chính ta là tông đồ của Chúa giữa lòng môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Nhiều người trẻ thích thể thao hơn linh thao, thể chất hơn tinh chất, thể hình hơn siêu hình, thể diện hơn ẩn diện. Họ dành nhiều thời gian và tâm huyết để xây dựng và phát triển các tương quan bên ngoài hơn là chú ý để làm phong phú đời sống nội tâm. Họ để ý những gì có thể đụng chạm hay cân đong đo đếm được, hơn là nhưng gì thuộc bản chất con người và những gì là nền tảng làm cho con người phân biệt với vạn vật. Họ quan tâm đến đời sống văn hóa, xã hội, chính trị, thương mại, kỹ thuật, công nghệ, hơn là đời sống tôn giáo. Giáo dục người trẻ có cái nhìn sâu sắc về Đức Kitô và Hội Thánh là nhiệm vụ tối quan trọng trong bối cảnh xã hội hôm nay. Nhằm để người trẻ nhận thức được sự vụ gìn giữ hành tinh xanh đóng vai trò là cái “chất” nơi người Kito hữu. Giới trẻ sẽ là những hiến sĩ thực sự khi ra đi muôn phương và để nên như gương thánh Phanxico Assisi, Ngài là chứng nhân cho tinh thần yêu chuộng hòa bình và bảo vệ môi trường sống. Là người trẻ Công Giáo, chúng ta cần phải hiểu Tin Mừng và sống Tin Mừng bằng chính những việc làm hi sinh, chứng tá đức tin vì lời nói lung lay, còn gương bày lôi kéo. Để ai nấy trên quả đất này đều nhận ra tất cả chúng ta là con cùng một Cha trên trời. Như trong thông điệp Laudato si, số 13: “nhân loại còn có khả năng cộng tác để xây dựng một căn nhà chung”.

            Tựu trung, tương quan giữa con người và môi trường theo nhãn quan Kitô giáo qua những phân tích trên cho ta những kết luận. Trước hết, môi trường là điều kiện sống còn của con người, con người là một phần của môi trường. Ở đây thể hiện mối quan hệ tương hỗ, cân bằng, biết sử dụng môi trường như là quà tặng và gìn giữ môi trường với trách nhiệm và bổn phận. Đồng thời biết tạ ơn Thiên Chúa vì kỳ công của người. Thứ đến, môi trường tự nhiên là sự hiện diện của Thiên Chúa. Mọi sự ta thấy, mọi thứ ta đụng chạm được và thậm chí cả những thứ phải dùng đức tin để thấy, tất cả là bởi Thiên Chúa. Người là Đấng Hóa Công đã tạo nên môi trường và hiện diện trong môi trường để chăm sóc chúng. Cuối cùng, hãy luôn dành sự tôn trọng và bảo vệ môi trường vì đây là công trình của Chúa. Hãy làm những việc nhỏ bé nhưng với tình yêu lớn là ta đang làm đẹp cho nhà Chúa thêm tươi đẹp hơn. Kết lời, hãy xin giữ môi trường và hơn hết là không ngừng tô đẹp cho môi trường tâm hồn mình được thêm hoa trái thiêng liêng là ơn Chúa từ những việc lành ta làm.


Đường Hy Vọng    

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của Maliketh. Được tạo bởi Blogger.